Y ĐỨC LÀ GÌ ? Y ĐỨC LÀ CHẨN ĐOÁN ĐÚNG VÀ ĐIỀU TRỊ TỐT CHO BỆNH NHÂN

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Người ngành y

Người ngành y

Người viết  : cô Nhị Tường .


Những ngày này thấy báo chí trong nước, ngoài nước, các blog, kêu ca về ngành y quá. Nào là “thực trạng đau lòng của hệ thống bệnh viện tại VN, nào là bác sĩ quay phim sex rồi tố tụng nhau, nào là bác sĩ vô trách nhiệm gây chết sản phụ. Đó là đời thực. Còn những tác phẩm “văn hóa” như bộ phim “Chân trời trắng” đang chiếu đâu đó trên VTV thì bị dân ngành y  phê bình là quá đỗi “xúc phạm ngành y”.
Quả thật đôi lúc cứ nghĩ mà run, nếu một mai phải sa chân vào… bệnh viện, mà cuộc đời có ai không phải vào bệnh viện một đôi lần. Nếu chẳng may gặp phải những bác sĩ kém cả kiến thức và  y đức thì xem như tiêu tùng. Nhưng đọc những bài báo, những lời bình phẩm của các em bác sĩ tương lai trên facebook tôi lại thấy mừng. Mừng là vì sẽ có những thế hệ bác sĩ tương lai ra đời với đầy đủ tự tin, tự hào về ngành y và sống trọn với y đức của mình.
Nếu cuộc đời không dun rủi đi theo một con đường khác, chắc giờ đây tôi cũng là “người ngành y”. Không biết thật sự có bao nhiêu người theo ngành y vì hạnh nguyện cứu người, hay có một thời ngành y là ngành dễ kiếm tiền. Tôi theo ngành y vì nguyện vọng của cha mình. Khởi đầu sự học không lấy gì làm thích thú cho lắm, nhưng vài năm học và gắn bó với bệnh viện đã làm tôi yêu mến cái nghề không lấy gì nhàn nhã này. Đã mấy chục năm không cầm đến cái ống nghe hay một cái bơm tiêm nhưng thi thoảng trong giấc mơ tôi vẫn thấy mình ngủ gục trên chiếc ghế dài trong phòng trực và đầu gối lên chồng bệnh án. Mỗi lần nghe mùi cồn thoang thoảng đâu đó là giật mình gợi nhớ ký ức xưa, cái mùi thân quen mang lại cảm giác sạch sẽ mỗi khi dùng cục bông tẩm cồn để chà đôi bàn tay.
Để bắt đầu trở thành một người ngành y, một con người phải trải qua nhiều cảm xúc khác biệt trong đời mình. Cảm xúc đầu đời có thể là một sự ngại ngùng e thẹn, lần đầu tiên tiếp xúc với một mô hình con người trần trụi, từ đó góc nhìn về con người sẽ dần dần thay đổi, theo thời gian, theo kiến thức và sự ngại ngùng dần mất đi, chỉ còn lại là kiến thức, phải nạp vào, nạp vào, càng nhiều và mệt đuối.
Thứ đến, có khi là một cảm giác buồn nôn, và nôn thật. Đó lần lần đầu tiên khi tiếp xúc với máu, với chất thải, với mùi của những vết thương đã nhiễm trùng. Ngày đầu thực hành bệnh viện của tôi là khoa ngoại chấn thương, nơi đó tôi đã nhìn thấy sự đau đớn của con người, đã nghe những tiếng rên khóc và không chịu được mùi tanh của vết thương tấy mủ. Bạn tôi nhiều đứa phải bỏ cơm trưa và có đứa tuyên bố bỏ học. Thế nhưng vài tuần sau là chúng tôi lại bắt đầu quen và thích nghi dần. Khi chúng tôi sang thực tập khoa sản thì có những đứa con trai tuyên bố sẽ không bao giờ lấy vợ, những đứa con gái thì nói chẳng bao giờ lấy chồng là bác sĩ sản khoa vì “mất cảm xúc quá”. Thế nhưng cảm giác háo hức, hồi hộp, nín thở (và đôi khi cùng rặn giúp cho những sản phụ) khi một đứa bé chào đời và oa lên tiếng khóc thì chúng tôi cảm thấy hạnh phúc và hãnh diện khi mình chọn ngành y này. Có đứa sau ca trực dài nhiều tiếng đồng hồ đói lả đã vồ lấy ổ bánh mì ăn và nhìn lại thấy khủyu tay mình còn vương chút máu sau một ca đỡ đẻ.
Cảm xúc của người ngành y nhiều khi là cảm giác hoang mang và đau đớn. Đó là khi một bệnh nhân mình chăm sóc đã qua đời. Điều đó không phải chỉ là một lần. Có lần tôi chăm sóc nhiều ngày cho một chị bệnh nhân bị lao màng bụng, đêm đó bụng chị chướng lên, đau đớn, chị cầm tay tôi và kêu đau đớn. Thông tiểu, thụt tháo cũng chỉ giúp nhẹ nhàng chút ít, tôi chỉ biết xoa giúp bụng qua loa cho chị. Đêm ấy chị qua đời, sáng hôm sau nhìn cái giường chị trống rỗng mà tôi cứ ân hận điều gì đó dù không phải là lỗi của mình. Cảm giác ấy trở lại một lần nữa nhiều năm sau, khi đã giã từ ngành y nhưng tôi trở lại bệnh viện để chăm sóc cho người dượng bị xơ gan. Có một người cháu ngành y túc trực bên giường bệnh, tôi biết gia đình dì tôi cũng an tâm. Thế nhưng… Không cứu được bệnh nhân, luôn là nỗi ân hận của người ngành y!
Vậy tại sao, ngày nay người ta lại oán trách, chê bai, lên án những người ngành y là thiếu y đức?
Mới đây, một người bạn tôi dù đã gần 50 tuổi, nhưng vẫn còn đi học chuyên tu ngành điều dưỡng. Khi tôi hỏi so sánh thời đi học bây giờ với ngày xưa thì như thế nào, bạn tôi nói, ngày xưa đi học, các bác sĩ giảng dạy đã giảng hết tất cả những kiến thức mình có được cho y sinh, nhưng bây giờ thì không. Thậm chí, có người nói thẳng ra rằng: “thôi không nói nữa, nói hết hôm sau lấy gì mà nói”. Bạn tôi nói: “Ngày xưa vào thời bao cấp, mỗi lần có bóng dáng áo trắng đến là bệnh nhân rất mừng, nên ngày đó tụi mình được thăm khám, thực tập và giỏi tay nghề, còn bây giờ, khi thấy đeo cái bảng xanh thực tập trên áo là họ không cho rờ. Thậm chí muốn hỏi triệu chứng còn phải o bế mua quà cho bệnh nhân nữa”.
Cũng phải thôi, bây giờ những người có tiền vào bệnh viện luôn đòi hỏi một chế độ chăm sóc và bác sĩ tay nghề cao; họ không dám để cho các y sinh có cơ hội thực tập, thì làm sao bọn trẻ có điều kiện học hành chu đáo, và thế là một loạt “người ngành y” ra trường mà không có kiến thức hay tay nghề vững chắc gì cả. Tôi nhớ có lần đưa chị tôi đi mổ ở bệnh viện Từ Dũ, lần đó trong dây truyền dịch của chị tôi có nhiều bọt khí. Ngày còn đi học, những trường hợp như thế này chúng tôi phải tỉ mẩn búng cho từng bọt khí chạy lên phía trên cao. Nhưng hôm ấy tôi nói với một cô y tá, cô này lập tức mở khóa cho dịch truyền chảy nhanh hơn để bọt khí nhanh chóng vào trong mạch máu của chị tôi cho khuất mắt. Ngay lúc ấy tôi hét lên và cô ta phải dừng tay, chị tôi thì gần sốc, lạnh run và choáng. Tôi không hiểu tại sao một bệnh viện lớn như thế lại có cô y tá này học hành như thế nào mà có suy nghĩ và hành động như vậy. Từ khi nói chuyện với bạn tôi, thì tôi đã hiểu, cô y tá đó thiếu kiến thức và thiếu sự thực hành lỗi không hoàn toàn ở cô ấy, mà có thể còn là do sự thiếu hợp tác của bệnh nhân trong quá trình đi học.
Trên danh sách bạn bè facebook của tôi, có những em là sinh viên ngành y. Theo từng câu status, từng cái note của các em tôi bắt gặp lại mình ngày xưa. Nhiều lúc tôi cũng lo lắng khi thấy các em lo lắng khi bài vở quá tải, thi cử khó khăn, trách nhiệm đối với bệnh nhân. Nhưng thấy các em lo lắng mà tôi mừng, vì cái sự lo lắng hôm nay của các em là y đức của các em mai sau.
Nếu ai có oán trách người ngành y thì trước hết hãy hiểu rằng người ngành y không phải là những con người vô cảm, dửng dưng, mà họ là người phải chịu đựng nhiều cảm xúc trong đời hơn tất cả những người ngoài ngành. Hãy giúp cho họ sức mạnh để cảm xúc đó trở thành thiêng liêng như nghề nghiệp họ đã chọn, xin đừng chê bai và phán xét bằng đôi mắt của người ngoài ngành..


Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

Em ...

Tôi " em bệnh lâu chưa "

Em " em bệnh từ nhỏ "

Tôi " là từ lúc nào ,vậy em "

Em " em không nhớ, mẹ em biết đó "

Tôi " em bao nhiêu tuổi, có biết bệnh của mình phải chạy thận nhân tạo mới sống được không ?

Em " em 19 tuổi, em biết, nhưng nhà em không có tiền, ngày mai em xuất viện, mẹ em nói chờ chết "

Tôi  " em có sợ không "

Em  " em không sợ, em chết ,mẹ sẽ đỡ khổ "

Tôi " ......."

mẹ của em - người phụ nữ kiên cường nhưng thật đáng thương : đứa con lớn bệnh nặng và ..., đứa con nhỏ thì SDD nặng, người chồng sau TNGT đã để lại nhiều di chứng ....gánh nặng gia đình đè hết lên vai người phụ nữ nhỏ bé ấy....đã có lúc nghĩ đến chuyện , cả gia đình cùng nhau chết sau đó hiến xác .

bé ấy chỉ 19 tuổi, cả một chặng đường phía trước phải dừng lại vì " bệnh tật ", gương mặt ấy lúc nào cũng mỉm cười, ngay cả khi nói về cái chết.

ngày gặp em, là ngày em cầm trên tay số điện thoại liên lạc với bộ phận nhận đơn hiến xác tự nguyện.

ngày Tôi là y3, khi đang chênh vênh giữa cuộc sống, áp lực của những khó khăn làm Tôi đôi lúc muốn bỏ cuộc....Tôi được gặp một cậu bé chỉ 15 -16 tuổi, ánh mắt sáng ngời niềm hi vọng được sống khi nói về bệnh của mình, ánh mắt chấp nhận chết cũng là một dạng sống khác ....Tôi lặng người, và thấy mình may mắn ,vì mình còn khỏe mạnh, còn được quyền thực hiện những việc lớn, việc nhỏ của tuổi 20 hay hơn thế nữa.

ngày Tôi là y6, như now, Tôi cũng đanh chênh vênh, chông chênh, vì không biết làm sao để đi qua chặng cuối khó khăn này, Tôi lại được gặp một cậu bé khác cũng ở cái tuổi 20 này , vẫn là ánh mắt đó, ánh mắt sáng ngời hi vọng mình được tiếp tục sống, ánh mắt không chút buồn rầu nói về cái chết nhẹ tựa bông hồng.

2 cậu bé ấy , dạy cho Tôi một bài học đó là : nghị lực sống, là sống biết hi vọng và mơ ước .


PS : nghèo không phải là một cái tội, nhưng vì nó mà đôi lúc ta bị cướp đi những quyền lợi khác của một con người - quyền được sống ...nếu nhà có điều kiện, có lẽ ,em sẽ không như thế này ....:(